Cường giáp là hội chứng tuyến giáp sản xuất dư thừa hormon, khiến quá trình trao đổi chất tăng tốc nhanh chóng, dẫn đến những thay đổi bất thường trong cơ thể.
Dấu hiệu cường giáp
Thường xuyên thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại xuống cân nhanh chóng, người luôn cảm thấy nóng nực, căng thẳng, khó chịụ… là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh cường giáp.
Ngoài ra, người mắc bệnh cường giáp còn xuất hiện thêm các biểu hiện như tim đập nhanh, khó ngủ, ra nhiều mồ hôi, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, người mệt mỏi, da mỏng, tóc mỏng…
Nguyên nhân dẫn đến cường giáp
Cường giáp là tập hợp các triệu chứng do nhiều bệnh gây nên, do đó, trong y khoa thường gọi là hội chứng cường giáp chứ không phải là bệnh cường giáp. Bệnh bướu giáp trạng (mà chúng ta hay gọi là bệnh bướu cổ) là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng cường giáp. Có hai loại bướu cổ gây ra hội chứng cường giáp là bệnh Basedow và bướu cổ đa nhân nhiễm độc.
Biến chứng của cường giáp
Bệnh cường giáp nếu không được điều trị, hoặc điều trị chậm trễ có thể dẫn đến các biến chứng như giảm thị lực (thậm chí mất thị lực hoàn toàn), xương dễ gãy, da bị đỏ và sưng, rối loạn nhịp tim. Nghiêm trọng hơn, một số bệnh nhân cường giáp còn xuất hiện tình trạng cơn bão giáp trạng, đây là tình trạng mà các triệu chứng của bệnh cường giáp trở nên nặng hơn một cách đột ngột, dẫn đến sốt, tim đập nhanh, thậm chí mê sảng.
Điều trị bệnh cường giáp
Hội chứng cường giáp có thể được điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc. Bệnh nhân thường được chỉ định uống các loại thuốc kháng giáp tổng hợp, trong một số trường hợp có sử dụng thêm các loại thuốc an thần, thuốc ức chế beta giao cảm. Thời gian điều trị thường kéo dài trong khoảng từ 4-6 tháng.
Trường hợp bệnh nhân đang mang thai, hoặc không hấp thụ được các loại thuốc kháng giáp, hoặc bướu quá to ảnh hưởng đến thẩm mỹ mới được chỉ định phẫu thuật.
Đối với những bệnh nhân trên 40 tuổi và không còn sinh đẻ, có thể điều trị cường giáp bằng i-ốt phóng xạ