Bệnh bướu cổ phần nhiều là lành tính và không nhất thiết phải thực hiện phẫu thuật. Trong những trường hợp thật sự cần thiết, có chỉ định của bác sĩ cần phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật thì mới tiến hành.
Bướu cổ là gì?
Bướu cổ là một tên gọi phổ biến chỉ tình trạng những khối bướu xuất phát từ tuyến giáp, còn gọi là bướu tuyến giáp, gồm có khá nhiều loại như phình giáp lan tỏa, phình giáp hạt, viêm giáp, bướu giáp nhân lành tính, ung thư… Những khối bướu có thể gây nên tình trạng thay đổi chức năng của tuyến giáp như tình trạng cường giáp hoặc suy giáp. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không gây ra tình trạng trên như bình giáp. Bệnh bướu giáp có thể gồm bướu lành tính, ung thư hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp.
Ảnh hưởng của bướu cổ đến sức khỏe như thế nào?
Bướu tuyến giáp là một căn bệnh rất phổ biến. Trường hợp bướu tuyến giáp lành tính nếu sưng to sẽ gây khó khăn khi nuốt, khó thở hoặc là bướu lớn làm cổ phình to gây mất thẩm mỹ. Đối với bướu tuyến giáp ác tính là ung thư thì sẽ gây xâm lấn các cơ quan xung quanh hoặc khi bướu di căn sang cơ quan khác sẽ dễ dàng gây ra tổn thương cho gan, phổi, xương vv…
Dấu hiệu để bạn nhận biết có bị bướu tuyến giáp?
Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong cơ thể hoặc khi cổ to ra hơn bình thường thì bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ giúp bạn thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu, chọc hút tế bào… để xác định và phân loại bướu và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Đặc biệt, khi bướu ác tính ở dạng nhỏ thì có thể sẽ chưa gây ra cho bệnh nhân bất cứ dấu hiệu bất thường nào mà bạn chỉ có thể phát hiện được qua các kỹ thuật siêu âm hay kiểm tra hoặc chụp CT vùng cổ. Vì vậy khám sức khỏe định kỳ là việc nên làm để giúp phát hiện bệnh sớm.
Các phương pháp điều trị
Do bướu tuyến giáp bao gồm nhiều loại khác nhau, do đó mỗi loại đều sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhất. Điều trị bướu tuyến giáp sẽ gồm có: uống thuốc, dùng i-ốt phóng xạ, phẫu thuật, can thiệp kỹ thuật cao hoặc chỉ cần theo dõi định kỳ.
Uống thuốc: Tùy vào từng nguyên nhân gây ra bệnh mà sẽ có các loại biến chứng của bướu tuyến giáp khác nhau dẫn đến đơn thuốc cũng sẽ khác theo chỉ định của bác sĩ, như thuốc nội tiết tố tuyến giáp, i-ốt, kháng giáp, kháng sinh, thuốc corticoid, ức chế Beta giao cảm…
Dùng i-ốt phóng xạ : Được sử dụng khi tuyến giáp hoạt động quá mức. I-ốt phóng xạ có tác động lên tế bào tuyến giáp và có thể làm giảm kích thước của bướu. Tuy nhiên đối với những bướu lớn thì hiệu quả điều trị không cao.
Phẫu thuật: Tùy vào loại bướu được chẩn đoán, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các phương pháp phẫu thuật như cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt khác còn có thể chọc hút ra bằng kim để rút phần nước cho trường hợp bướu tuyến giáp chứa nước (hay gọi là nang giáp).
Can thiệp kỹ thuật cao : Laser bướu cổ hoặc sóng cao tần là phương pháp dùng năng năng lượng từ tia laser hoặc sức nóng từ dòng điện tần số cao để hủy khối bướu từ bên trong mà không qua một vết mổ nào. Đây là cách thức điều trị mới khắc phục được một số biến chứng khi mổ bướu cổ.