Có nhiều loại bệnh tuyến giáp, trong đó có thể kể đến bốn loại bệnh thường gặp là suy giáp, cường giáp, bướu giáp đơn thuần và ung thư tuyến giáp.
Suy giáp
Là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ một số loại hormon cần thiết cho cơ thể, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Người bị suy giáp thường cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp, chịu lạnh kém, giảm trí nhớ, hay buồn ngủ, nhức mỏi cơ bắp. Da người bệnh thường khô, mặt hơi phù, tóc khô và rụng.
Bệnh nhân suy giáp thường được chỉ định điều trị bằng thuốc hormon giáp (levothyroxin) và thường phải uống suốt đời. Chỉ cần uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ thì cơ thể sẽ trở lại bình thường.
Cường giáp
Ngược lại với bệnh suy giáp, cường giáp là hội chứng tuyến giáp sản xuất dư thừa hormon trong cơ thể, khiến quá trình trao đổi chất tăng tốc nhanh chóng, dẫn đến những bất thường trong cơ thể.
Biểu hiện thường gặp của hội chứng cường giáp là thường xuyên thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại xuống cân nhanh chóng, người luôn cảm thấy nóng nực, căng thẳng, tim đập nhanh, khó ngủ, ra nhiều mồ hôi, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt…
Chứng cường giáp có thể được điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, bằng i-ốt phóng xạ, trường hợp có bướu to gây chèn ép, khó thở… mới được chỉ định phẫu thuật.
Bướu cổ đơn thuần
Bướu cổ đơn thuần là một trong những bệnh tuyến giáp thường gặp nhất. Đây là tình trạng tuyến giáp phình to nhưng không có rối loạn hoạt động của tuyến giáp. Phần lớn bướu giáp đơn thuần là lành tính.
Tùy thuộc vào tình trạng và kích thước khối bướu, bệnh nhân bướu cổ đơn thuần có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là dạng ung thư nội tiết tố khá phổ biến, thường gặp ở phái nữ trong độ tuổi từ 20-50. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp bị các tế bào ác tính tấn công, gây rối loạn chức năng của tuyến giáp trong cơ thể.
Do độ lành tính của ung thư vùng tuyến giáp cao hơn so với ung thư các vùng khác, nên bệnh ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư.
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được tiếp tục điều trị bằng i-ốt phóng xạ hoặc chỉ cần theo dõi.