Stress kéo dài có thể gây suy giáp, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ và khả năng nhận thức của người mắc bệnh suy giáp.
Khi bạn đối mặt với một vấn đề, một tình huống khó khăn, nghiêm trọng trong cuộc sống, cơ thể sẽ tự động sản xuất các kích thích tố. Những kích thích tố này làm tăng huyết áp, nhịp tim, giúp bạn có đủ năng lượng để giải quyết khó khăn.
Tuy nhiên, nếu căng thẳng kéo dài, việc sản xuất liên tục các kích thích tố có thể gây hại đến cơ quan trong cơ thể, đặc biệt đối với bệnh nhân suy giáp, ảnh hưởng này càng trầm trọng hơn.
“Căng thẳng liên quan đến sự thay đổi nồng độ serotonin, chất được tổng hợp một phần từ tế bào thần kinh và nồng độ cortisol gây ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của hormone tuyến giáp”, tiến sĩ Harris L. Wasser, một chuyên gia nội tiết ở Trung tâm y tế khu vực Los Robles ở Thousand Oaks, California cho biết.
Theo tiến sĩ Wasser, các hormone nhóm cortisol được sản xuất để đáp ứng với stress, có thể ức chế chức năng tuyến yên, giảm phát hành hormone kích thích tuyến giáp (TSH) từ đó gây suy tuyến giáp.
Stress kéo dài cũng làm nặng thêm tình trạng suy giảm trí nhớ và các vấn đề về nhận thức ở người mắc bệnh suy giáp.
Năm 2004, tạp chí khoa học nổi tiếng nổi tiếng Behavioral Brain Research đã công bố một nghiên cứu về mối liên quan giữa stress và bệnh suy giáp. Nghiên cứu này được thực hiện trên loài chuột. Các nhà khoa học đã để cho những con chuột chịu căng thẳng trong vòng 4-6 tuần, sau đó đào tạo cho chúng học hỏi và ghi nhớ vị trí để thoát khỏi tình trạng ngập nước. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con chuột bị căng thẳng kéo dài hoặc suy tuyến giáp bị suy giảm nhẹ về bộ nhớ. Tuy nhiên, những con chuột chịu cả căng thẳng và suy giáp thì bị suy giảm trí nhớ nặng và kéo dài hơn.
“Suy giáp không được điều trị và căng thẳng kéo dài có thể làm giảm chức năng tâm thần”, Tiến sĩ Frederick Singer, một chuyên gia nội tiết tại Trung tâm y tế Providence Saint John ở Santa Monica, Califonia cho biết.
Cuối cùng, dù bạn có đang bị suy giáp hay không thì việc kiểm soát căng thẳng cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để sống khỏe mạnh. Học cách suy nghĩ tích cực, cân bằng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc… sẽ giúp chúng ta tránh xa stress.