PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA BƯỚU CỔ SÀI GÒN

Sức khỏe của Bạn - Sứ mệnh của chúng tôi. 56A, Nguyễn Thông, P9, Q3.

Tuyến giáp ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ như thế nào?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng nằm ở phía trước cổ, sản xuất hormone T3 và T4, giúp điều hòa quá trình trao đổi chất. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp cao gấp 4 lần nam giới. Khi tuyến giáp của phụ nữ gặp vấn đề, chúng sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, đặc biệt là việc sinh sản và tâm sinh lý.

Tuổi dậy thì và chu kỳ kinh nguyệt:
Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hormone sinh sản. Khi hormone tuyến giáp mất cân bằng, phụ nữ có thể gặp phải các vấn đề như dậy thì sớm hoặc muộn, kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít hoặc nhiều bất thường. Một số trường hợp đặc biệt, có thể không có kinh nguyệt.

Sinh sản và mang thai:
Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai. Phụ nữ bị suy giáp có nguy cơ bị u nang buồng trứng cao hơn. Trong thai kỳ, các vấn đề về tuyến giáp có thể dẫn đến tiền sản giật, sinh non hoặc sảy thai.  Ngoài ra, mẹ bị bệnh tuyến giáp còn ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Mẹ bị cường giáp trong thai kỳ có thể dẫn đến ốm nghén nặng, huyết áp cao và nguy cơ suy tim.

Giai đoạn sau sinh:
Phụ nữ có thể gặp tình trạng viêm tuyến giáp sau sinh, làm rối loạn hormone và gây mệt mỏi, trầm cảm.

Mãn kinh và sức khỏe xương:
Tuyến giáp hoạt động kém có thể khiến phụ nữ gặp tình trạng mãn kinh đến sớm hơn, với các triệu chứng như bốc hỏa, mất ngủ và thay đổi tâm trạng. Ngược lại, tình trạng cường giáp có thể làm giảm mật độ xương, dẫn đến loãng xương do xương mất canxi.

Tâm lý và cảm xúc:
Suy giáp hay cường giáp đều có thể gây ra các vấn đề về tinh thần như lo âu, trầm cảm, giảm ham muốn tình dục và khó tập trung. Những triệu chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây trở ngại trong cuộc sống hàng ngày.

Phụ nữ nên lưu ý đến các dấu hiệu bất thường và thăm khám định kỳ bác sĩ chuyên khoa để bảo vệ sức khỏe tuyến giáp.

 

Chia sẻ