Tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước. Tuyến giáp có 2 thùy (thùy phải và thùy trái), mỗi thùy áp vào mặt trước của sụn giáp và phần trên khí quản, có một eo tuyến nối hai thùy với nhau như hình con bướm. Nếu cả hai bên thùy đều xuất hiện khối u thì gọi là bướu giáp nhân hai thùy.

Bướu giáp nhân 2 thùy

Nguyên nhân gây bệnh bướu giáp nhân hai thùy

Bệnh không có nguyên nhân rõ ràng, có thể do thiếu hụt i-ốt trong chế độ ăn uống khiến cơ thể không sản xuất đủ hormon tuyến giáp, dẫn đến việc hình thành khối u ở hai thùy tuyến giáp.

Bướu giáp nhân hai thùy cũng có thể xuất phát từ các tình trạng viêm tuyến giáp hoặc sau các đợt nhiễm virus, dù những trường hợp này rất hiếm gặp.

Cách xác định bướu giáp nhân hai thùy lành tính

Xác định nhân giáp lành tính hay ác tính được thực hiện qua khám lâm sàng, siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm tế bào.

Siêu âm tuyến giáp sẽ xác định vị trí, kích thước và sốlượng nhân giáp ở cả hai thùy nhưng không chẩn đoán được đó là nhân giáp lành tính hay ác tính.

Để xác định nhân tuyến giáp là lành tính hay ác tính, bác sĩ cần làm thủ thuật chọc kim nhỏ vào nhân giáp ở cả hai thùy, lấy mẫu mô đem soi dưới kính hiển vi, tìm tế bào ác tính.

Phương pháp điều trị bướu giáp nhân hai thùy

Điều trị nhân giáp lành tính:

Trước đây, bướu nhân tuyến giáp thường được điều trị nội khoa hoặc mổ nội soi, mổ mở. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, các phương pháp tiên tiến như laser bướu cổ hoặc sóng cao tần cho phép loại bỏ nhân giáp mà không cần phẫu thuật.

  • Laser bướu cổ là phương pháp sử dụng năng lượng từ tia laser thông qua một kim truyền nhỏ để hủy bỏ nhân giáp ngay từ bên trong.
  • Sóng cao tần là phương pháp sử dụng dòng điện tần số cao để giảm kích thước các nhân giáp lành tính.
phuong-phap-dieu-tri-buou-co-bang-song-cao-tan
Phương pháp điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần

Điều trị nhân giáp ác tính: Khi phát hiện nhân giáp là ác tính và ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định  phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Đừng để bướu giáp nhân lành tính có thể trở thành ung thư

Bướu giáp nhân hai thùy cần phải được kiểm tra định kỳ qua khám, siêu âm hoặc sinh thiết nhân giáp nhằm kiểm soát mức độ tăng trưởng của bướu để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Không nên để nhân giáp phát triển lớn vì chúng sẽ chèn ép các bộ phận thanh quản, thực quản, khí quản và gây nên tình trạng khàn giọng, khó thở, khó nuốt.

Khoảng 2-3 % bệnh nhân có chẩn đoán ban đầu là bướu giáp nhân lành tính sau đó có thể chuyển thành ác tính và ung thư.

Ung thư tuyến giáp là bệnh có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan. So với việc điều trị nhân giáp lành tính đơn giản bằng laser hoặc sóng cao tần thì việc phẫu thuật cắt bỏ cả hai thùy tuyến giáp vì ung thư sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh và có thể phải uống thuốc tuyến giáp suốt đời.