So với bướu giáp đơn thuần và các bệnh tuyến giáp khác, viêm tuyến giáp mạn tính, còn gọi là bệnh Hashimoto thường ít được biết đến hơn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ trung niên.

Cẩn trọng với bệnh viêm giáp mạn tính
Cẩn trọng với bệnh viêm giáp mạn tính

 

Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công lại cơ thể, sản sinh ra những kháng thể làm tuyến giáp bị tổn thương dần dần và giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp, gây ra tình trạng suy giáp.

Hashimoto là bệnh khó nhận biết
Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto thường không có triệu chứng rõ rệt, nó tiến triển âm thầm trong nhiều năm. Các triệu chứng không cụ thể và khá giống với nhiều bệnh khác: mệt mỏi, phiền muộn, táo bón, tăng cân nhẹ, da khô, rụng tóc vv… Khi bệnh nhân có các triệu chứng rõ rệt hơn như giảm sút trí nhớ, hay quên, hoạt động chậm chạp thì bệnh đã trở nặng.

Chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm để kiểm tra mức độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và hormone tuyến giáp ( T3 và T4 ) nếu xét thấy bệnh nhân đang gặp phải một số triệu chứng của bệnh viêm giáp mạn tính. Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch, do đó xét nghiệm máu cũng sẽ cho thấy các kháng thể bất thường tấn công tuyến giáp.

Việc điều trị tùy thuộc tình trạng bệnh nhân đã bị suy giáp hay chưa. Nếu chưa thiếu hụt hormone tuyến giáp thì chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ. Nếu bệnh nhân bị thiếu hụt hormone tuyến giáp, bác sĩ sẽ điều trị thay thế bằng hormone giáp tổng hợp đề làm giảm các triệu chứng của bệnh. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Bệnh cần được chữa trị để tránh các biến chứng

Khi có những dấu hiệu của bệnh viêm tuyến giáp mạn tính, người bệnh nên đi khám để được xét nghiệm hormone tuyến giáp. Điều đó sẽ ngăn chặn các biến chứng làm ảnh hưởng đến tim mạch, tâm thần, thể chất và tránh được tình trạng phải uống thuốc tuyến giáp suốt đời do suy giáp không thể phục hồi.