Bệnh suy giáp nếu không điều trị, hoặc điều trị chậm trễ sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề như gây suy tim, xơ vữa mạch máu, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong.

Suy giáp là gì?

Là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ một số loại hormon cần thiết cho cơ thể, dẫn đến những vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, béo phì, đau cơ, đau xương…

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh suy giáp?

Thiếu i-ốt và viêm tuyến giáp mạn tính là hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh suy giáp. Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến các nguyên nhân sau: do quá trình mang thai, do ảnh hưởng của một số loại thuốc, do phẫu thuật tuyến giáp, do bệnh lý tự miễn…

Người mắc bệnh suy giáp có những biểu hiện nào?

Bệnh nhân suy giáp thường cảm thấy mệt mỏi, chán nản, giảm trí nhớ, chịu lạnh kém, tăng cân bất thường, rụng tóc, da khô, tim đập chậm, đau cơ, đau khớp, kinh nguyệt nhiều hơn…

dieu tri suy giapBệnh nhân suy giáp thường cảm thấy mệt mỏi, giảm trí nhớ, chịu lạnh kém, tăng cân bất thường, da khô…

Ai có nguy cơ mắc bệnh suy giáp?

Bạn sẽ dễ mắc bệnh suy giáp hơn nếu:

– Là phụ nữ trên 60 tuổi

– Đang mang thai hoặc mới sinh con trong vòng 6 tháng

– Từng điều trị bằng các loại thuốc kháng giáp hoặc i-ốt phóng xạ

– Từng phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp

– Từng xạ trị ở vùng cổ hoặc ngực trên

Tại sao phải điều trị bệnh suy giáp kịp thời?

Bênh suy giáp nếu không được điều trị hoặc điều trị muộn có thể gây ra những biến chứng nặng nề như gây suy tim, xơ vữa mạch máu, gây vô sinh. Một số bệnh nhân suy giáp có thể bị hôn mê, thậm chí tử vong. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh suy giáp bằng phương pháp nào?

Bệnh nhân suy giáp thường được chỉ định điều trị bằng thuốc hormon giáp (levothyroxin) và thường phải uống suốt đời. Chỉ cần uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ thì cơ thể sẽ trở lại bình thường.