Phụ nữ khi có kế hoạch mang thai nên đi khám kiểm tra và làm các xét nghiệm về tuyến giáp. Nếu như chưa khám trước mà đã có thai thì nên kiểm tra tuyến giáp càng sớm càng tốt, ít nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Những thay đổi nội tiết tố của người mẹ khi mang thai có thể gây ra một số vấn đề về tuyến giáp. Việc phát hiện và xử lý kịp thời bệnh tuyến giáp khi mang thai sẽ giảm được các biến chứng nguy hiểm cả cho người mẹ lẫn thai nhi.

Hormone tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi trong 3 tháng đầu. Việc theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp trước và trong thai kỳ của người mẹ là việc cần thiết.

BC - BENH TUYEN GIAP O PHU NU MANG THAI

Vì nếu người mẹ bị suy giáp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hormone tuyến giáp ở thai nhi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan và sự phát triển não bộ của trẻ. Người mẹ bị suy giáp khi mang thai có thể gây ra tình trạng thiếu máu, tiền sản giật, thai nhi chậm phát triển trong tử cung hoặc trẻ bị sinh non.

Nếu người mẹ bị cường giáp, có thể bị các biến chứng như suy tim, loạn nhịp tim, lồi mắt… Trường hợp không được điều trị kịp thời có thể bị sảy thai sớm hoặc gặp các biến chứng nặng khác như nhiễm độc thai nghén và có nguy cơ rất cao bị cơn bão giáp trạng dễ dẫn đến tử vong. Mẹ bị cường giáp thì trẻ dễ bị tăng nhịp tim thai, thai nhi nhẹ cân so với tuổi, thai chết lưu hoặc đẻ non..

Dựa trên các triệu chứng và khám lâm sàng, xét nghiệm máu đo mức độ hormone tuyến giáp T3, T4, TSH, bác sĩ sẽ chẩn đoán thai phụ có bị bệnh tuyến giáp hay không. Từ đó cân nhắc để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm đưa nồng độ hormone tuyến giáp về mức bình thường nhằm bảo đảm sức khỏe cho mẹ và an toàn cho thai nhi.