Tự ý đắp thuốc, đắp lá vào vùng bướu cổ, dùng dao lam lể, rạch bướu, dùng kim châm vào bướu không những không chữa được bướu cổ, mà còn gây lở loét, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Ngày 20/10/2016, bệnh nhân Nguyễn Thị V đến Phòng khám Chuyên khoa Bướu cổ Sài Gòn trong tình trạng cổ sưng tấy, có một mảng sẹo lớn. Nguyên nhân là do khi thấy vùng cổ xuất hiện khối u, chị nghe lời hàng xóm tự đắp lá lên với hi vọng sẽ khỏi bệnh. Bác sĩ cho biết bệnh nhân V bị bướu giáp nhân, cần được khám và điều trị đúng cách, việc đắp lá hay vật gì lên có thể gây nhiễm trùng, làm tình trạng càng nặng thêm.

dieu tri buou giap nhan
Chị V với vết sẹo trước cổ do đắp lá

Trường hợp như của bệnh nhân Nguyễn Thị V không phải là hiếm gặp. Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là là các bệnh nhân ở vùng nông thôn, khi phát hiện có bướu cổ thường không đi khám, mà tự ý chữa trị bằng các phương pháp truyền miệng trong dân gian. Có người đắp tỏi, lá râm bụt, lá lốt, các loại lá thuốc nam, người tự ý dùng dao lam lể, rạch bướu, người dùng kim châm để châm vào bướu.

Theo bác sĩ Trần Thanh Vỹ (Khoa Lồng ngực-Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) “Bệnh nhân không nên điều trị bướu cổ theo kiểu dân gian như: dán thuốc, lấy kim chích vào bướu, đắp lá… Các phương pháp này chẳng những không hết bệnh mà còn có thể gây nhiễm trùng, khiến bệnh trầm trọng, việc điều trị của bác sĩ chuyên khoa trở nên khó khăn hơn.”

“Khi phát hiện có bướu cổ, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ nội khoa hoặc chuyên khoa nội tiết. Tại đây, bác sĩ sẽ khám và siêu âm tuyến giáp nhằm xác định loại bướu cổ, từ đó tư vấn hướng điều trị thích hợp”, TS BS Trần Thanh Vỹ cho biết thêm.