I-ốt không thể tự tổng hợp, do đó mà con người chỉ có thể bổ sung i-ốt cho cơ thể qua đường ăn uống. Các thực phẩm chứa i-ốt có trong tự nhiên không nhiều, không những thế chúng còn dễ bị hao hụt trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Có thể điểm đến một  số thực phẩm có chứa khá nhiều i-ốt như phô mai (200 mcg/100g), lươn và hải sản (60 mcg/100g), trứng gà (169 mcg/100g), sữa bột toàn phần (110 mcg/100g), tảo biển (92 mcg/100g),…

Không chỉ các tổ chức y tế ở Việt Nam mà cả Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng luôn khuyến nghị mọi người sử dụng i-ốt cho bữa ăn hàng ngày. Tại nước ta đã có kế hoạch Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011 – 2015 và tầm nhìn đến 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực với mục tiêu khắc phục tình trạng thiếu hụt i-ốt. Nếu nhiều gia đình không quen với mùi vị của muối ăn mà luôn quen sử dụng hạt nêm (vì hạt nêm kết hợp nhiều loại gia vị khác nhau) thì có thể dẫn đến tình trạng thiếu i-ốt.

Việc sử dụng muối ăn nguyên chất thay vì hạt nêm luôn được khuyến khích vì lượng i-ốt có trong muối ăn nguyên chất vẫn được đảm bảo hơn. Nên sử dụng muối i-ốt dù là một lượng rất nhỏ trong bữa ăn hàng ngày để cơ thể luôn tiếp nhận được đủ lượng i-ốt cần thiết nhất. Bên cạnh việc sử dụng i-ốt nguyên chất, các bạn cũng hãy thường xuyên ăn các nhóm sản phẩm chứa i-ốt tự nhiên có đề cập đến trên đây như phô mai, trứng gà, sữa bột toàn phần, hải sản, tảo biển,… để  tăng cường bổ sung i-ốt cho cơ thể.

Những gia đình có phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ nhỏ cần đặc biệt chú trọng hơn cả vì đây là giai đoạn cơ thể của họ bị thiếu hụt i-ốt. Các thành viên trong gia đình hãy thường xuyên quan tâm, chăm sóc và xây dựng những bữa ăn lành mạnh để tăng cường sức khỏe cho cả gia đình. Dù tỷ lệ sử dụng muối i-ốt của nước ta đang có xu hướng giảm nhưng nếu các gia đình quan tâm hơn nữa về vấn đề này, tình trạng sức khỏe tuyến giáp và tình hình sức khỏe chung sẽ được cải thiện nhiều hơn.